PHƯƠNG PHÁP – LUẬN TRỊ RỐI LOẠN TIỀN ĐÌNH
Trong thuật ngữ của Y học cổ truyền không có bệnh danh rối loạn tiền đình. Căn cứ các biểu hiện chóng mặt, đau đầu, mất thăng bằng, hồi hộp …. rối loạn tiền đình được xếp vào các chứng huyễn vựng, đầu thống, tâm quý … của y học cổ truyền.
Trên thực tế lâm sàng rối loạn tiền đình thường gặp hơn ở phụ nữ, từ đó cũng tiết lộ một phần nguyên nhân của chứng rối loạn tiền đình. Khi cơ thể suy nhược trong thời gian dài do việc ăn uống không đầy đủ, làm việc vất vả, tinh thần không thoải mái, luôn trong trạng thái căng thẳng … từ đó làm cho thận hư, tâm yếu, khí huyết kém dẫn tới tưới máu lên máu lên não không đủ, hoặc co thắt mạch máu đột ngột làm thiếu máu não, thiếu máu cung cấp cho thần kinh tiền đình từ đó gây ra tình trạng viêm nhiễm … ., Ngoài ra YHCT còn cho rối loạn tiền đình đến từ nguyên nhân bên ngoài như phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa mà tương ứng với tình trạng rối loạn tiền đình do nhiễm khuẩn, nhiễm virus, thậm chí là do sang chấn – chấn thương. Do đó để điều trị rối loạn tiền đình bệnh nhân cần được bồi bổ cơ thể, cân bằng âm dương từ đó điều hòa, tăng cường lượng máu lên não …
Cụ thể nguyên tắc điều trị rối loạn theo đông y gồm:
Loại bỏ nguyên nhân gây bệnh thông qua tránh căng thẳng, lo lắng, luyện tập thể dục, dinh dưỡng và nghĩ ngơi hợp lý… Biện chứng rõ ràng để tìm đúng thể bệnh, điều chỉnh sự hư suy, mất cân bằng của tạng phủ.
Giải quyết những triệu chứng khó chịu như mất ngủ, đau đầu chóng mặt, hồi hộp buồn nôn … bằng các phép hành khí hoạt huyết, bồi bổ khí huyết nhằm tăng cường máu lên não, tăng cường tưới máu đến hệ thống tiền đình ốc tai, thanh nhiệt tiêu độc, khu phong tán hàn để thúc đẩy quá trình tiêu viêm cân bằng và ổn định môi trường ở tiền đình ốc tai …
Với lịch sử hàng nghìn năm, YHCT cung cấp một hệ thống lý luận sắc bén cho đến kinh nghiệm và thực nghiêm trong chữa bệnh nói chung và điều trị các chứng của rối loạn tiền đình nói chung.
Trên lâm sàng, rối loạn tiền đình hay gặp nhất là chứng huyễn vựng, đồng thời YHCT phân huyễn vựng thành 4 nhóm với nguyên nhân, triệu chứng lâm sàng, và cách điều trị khác nhau, bao gồm:
1. Can dương thượng kháng:
Do công việc căng thẳng lâu ngày hoặc những áp lực khác, tâm trạng chán nản, giận dữ, uất ức khiến can khí uất kết lâu ngày hóa hỏa, hỏa hun đốt phần âm khiến can bị suy kiệt. Hoặc người có thể chất âm hư, can hỏa dễ động, gây thận âm hư. m hư và can hỏa thường cùng tồn tại, ảnh hưởng lẫn nhau, thận âm hư dẫn đến can âm không đủ, không hàm được can dương, khiến can dương hoạt động quá mức, làm rối loạn thanh khiếu, làm não tủy không hoạt động bình thường, do đó gây chóng mặt. Phương pháp điều trị chủ yếu là “bình can tiềm dương”.
2. Khí huyết hư khuy:
Nguyên nhân là bệnh lâu ngày không khỏi, hoặc bẩm sinh khí huyết yếu, hoặc tỳ vị yếu, việc hóa sinh khí huyết không đủ, dẫn đến khí hư huyết hư. Khí hư có nghĩa là thanh dương không thăng, trọc âm không giáng, tích tụ trong não tủy, gây chóng mặt. Huyết hư khiến não và tủy sống không được nuôi dưỡng, cũng có thể gây chóng mặt.
Trong “Nội Kinh – Khẩu vấn thiên” viết: “Thượng khí bất túc, não vi chi bất mãn, tai vi khổ minh, đầu vi khổ khinh, mục vi huyễn.” Chỉ ra một nhóm các triệu chứng của huyễn vựng , chẳng hạn như ù tai, rung giật nhãn cầu, mất thăng bằng. Điều trị chủ yếu tập trung vào việc bổ khí dưỡng huyết.
3. Thận tinh bất túc:
Thận trong đông y là gốc tiên thiên, là bể chứa của thận tinh, thận tinh sinh tủy, nuôi dưỡng não tủy. Thận hư có thể do bẩm sinh, do tuổi già, hoặc quan hệ tình dục quá mức. Thận tinh hư yếu, không thể sinh ra tủy. Não là biển tủy, ở trên não tuỷ không đầy đủ, ở dưới thận khí yếu mà gây chóng mặt. Điều trị chủ yếu dựa vào phép bổ thận trấn tinh, thường dung các loại thuốc có nguồn gốc từ động vật như quy bản, miết giáp, lộc nhung, cao ban long…
4. Đàm thấp trung trở:
Nguyên nhân là do thấp tà không được điều trị từ đó sinh ra đàm ẩm trong cơ thể, hoặc ăn quá nhiều cũng có thể gây ra đờm ẩm, đàm ẩm không thể tách rời với tỳ vị, nếu không được kiểm soát nó sẽ ngăn chặn công năng của tỳ khí và vị khí. Khí của tỳ vị ở trung tiêu không đủ và không có khả năng chuyển hóa thấp khí cũng có thể gây ra đàm thấp. Bản thân đàm, thấp có thể cản trở sự thăng giáng của khí, khiến thanh dương không thăng, trọc âm không giáng từ đó gây chóng mặt. Ngoài ra đàm thấp dễ hóa hỏa và hình thành thấp nhiệt mà gây nên huyễn vựng, tương ứng với chóng mặt do viêm nhiễm. Vì vậy việc điều trị chủ yếu dùng phương pháp kiện tỳ hóa đàm.
Ngoài chứng huyễn vựng, trên một bệnh nhân rối loạn tiền đình có tổ hợp rất nhiều triệu chứng, chính vị vậy người thầy thuốc cần dung vọng văn vấn thiết, bát cương để quy nạp các chứng trạng chứng hậu, đồng thời phải biết biện chứng luận trị để hiểu rõ gốc bệnh nằm ở đâu, đưa ra một phương pháp điều trị phù hợp với từng thể bệnh của người bệnh. Không nên điều trị mù, điều trị theo nghiệm phương hoặc theo sự mách bảo của những người không có chuyên môn, để rồi gặp những hậu quả không đáng có.